Những lợi ích to lớn mà chuẩn USB Type-C mang lại không đủ để bù đắp cho một mối họa khủng khiếp mà loại sạc này mang tới.
Không thể phủ nhận được rằng USB Type-C là loại cổng dành cho tương lai: kết nối USB mới có tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn cũng như khả năng truyền điện năng lớn hơn hẳn so với các chuẩn USB cũ. Tuy vậy, điều đáng buồn là không phải cáp sạc USB nào cũng có chất lượng đảm bảo, và những chiếc cáp USB Type-C chất lượng kém thậm chí sẽ làm hỏng thiết bị của bạn.
Vấn đề cổng sạc USB-C trở nên đặc biệt gay gắt sau khi Benson Leung, kỹ sư của Google phụ trách về kết nối USB-C lên tiếng khẳng định rằng một chiếc cáp sạc USB Type-C kém chất lượng đã làm hỏng chiếc Pixel C đắt tiền của anh. Đáng ngạc nhiên hơn là trong số những chiếc cáp chất lượng kém bị kỹ sư này chỉ đích danh có bao gồm cả cáp sạc của OnePlus, một nhà sản xuất smartphone khá nổi tiếng. Mới gần đây, Apple cũng đã tiến hành thu hồi một số cáp sạc USB Type-C của chiếc MacBook 12 inch, dù rằng vấn đề mà Apple gặp phải chưa chắc đã giống như vấn đề của OnePlus.
Đầu Type-C (phía trên) và đầu Type-A truyền thống.
Phần lớn các loại cáp USB Type-C gây lỗi hiện nay đều là loại có 1 đầu là cổng Type-C mới và 1 đầu là cổng Type-A (cổng cỡ lớn) thường có trên PC. So với Type-C thì USB-A có khả năng truyền điện năng kém hơn hẳn. Thay vì sản xuất ra những chiếc cáp tuân thủ theo giới hạn của Type-A thì các nhà sản xuất kém tên tuổi lại bỏ qua những giới hạn này và thiết kế mạch để smartphone thu đầy đủ điện năng theo mức tối đa của Type-C. Trong nhiều trường hợp, các loại cáp này sẽ được tích hợp mạch để thu 3-ampe điện năng nhằm hỗ trợ tính năng sạc nhanh.
Theo lời giải thích của Leung, điều này sẽ gây hại cho thiết bị được gắn ở đầu Type-A:
"Chiếc cáp này sẽ 'nói dối' smartphone rằng đầu Type-A đang được gắn với một cổng sạc có khả năng cung cấp 3A đầy đủ, giống như là cáp C-nối-C đi kèm với cục sạc 3A của Nexus 6P/5X vậy. Smartphone do đó sẽ cố gắng thu dòng điện 3A, nhưng điều này sẽ làm hư hại những củ sạc/thiết bị mà bạn gắn vào đầu Type-A của cáp".
Tương tự như vậy, khi số lượng cáp nối có 2 đầu đều là USB-C gia tăng, nguy cơ từ vấn đề cáp không tuân theo quy chuẩn cũng sẽ gia tăng. Hiện tại, số lượng cổng sạc hỗ trợ cường độ dòng điện ở mức cao (ví dụ như 3A) là khá thấp, do đó những cáp sạc không được lắp ráp đúng cách hoặc thậm chí là bị cung cấp thông số sai lệch sẽ đẩy cao nguy cơ hỏng thiết bị.
Bạn sẽ gây nguy hiểm cho cổng USB truyền thống trên laptop nếu như dùng cổng này để cắm sạc cho Nexus 6P hoặc 5X qua cáp USB-C kém chất lượng.
Cần phải xác định rằng đối tượng gây lỗi duy nhất ở đây là cáp nối. Chiếc smartphone của bạn được cáp nối đảm bảo sẽ cung cấp đủ 3A điện năng, và điều duy nhất chiếc smartphone này thực hiện là thu cường độ dòng điện đúng như những gì được thông báo. Cục sạc hay thiết bị chứa cổng mà bạn dùng để cắm sạc cũng vậy, chúng không được thiết kế để cung cấp ra một lượng điện năng lớn tới mức 3A. Chiếc cáp – vốn có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho cả thiết bị cắm sạc lẫn cổng sạc – rõ ràng là đã thất bại trong tình huống gây lỗi. Trong phần lớn các trường hợp, lỗi này xảy ra khi nhà sản xuất nối dây không đúng hoặc sử dụng điện trở sai quy chuẩn 56 kOhm.
Như đã khẳng định ở trên, trong phần lớn các tình huống (bao gồm cả cáp sạc của OnePlus) thì hư hại sẽ xảy ra khi bạn dùng cáp lỗi để nối một chiếc smartphone có hỗ trợ sạc nhanh (cường độ sạc khoảng 3A) vào củ sạc, PC hoặc các loại hub USB không thể đáp ứng được cường độ này. Điều an ủi là nếu như chiếc smartphone của bạn không hỗ trợ sạc nhanh (ví dụ như trường hợp của chiếc OnePlus 2) thì hư hại sẽ không xảy ra. Hiện tại, số lượng thiết bị có hỗ trợ sạc nhanh qua USB-C vẫn là khá thấp: Nexus 6P, Nexus 5X và Chrome Pixel của Google và Lumia 950 và 950 XL của Microsoft.
Nếu gặp may mắn, cổng USB trên chiếc laptop của bạn có thể được trang bị sẵn chế độ tự bảo vệ. Ví dụ có thể kể đến trường hợp của biên tập viên Dieter Bohn thuộc trang công nghệ The Verge. Khi Bohn sử dụng một chiếc cáp kém chất lượng để sạc Nexus 6P từ chiếc MacBook Air, chiếc MacBook của anh đã tự động tắt máy để tránh hư hại máy. Tuy vậy, ngay cả khi chiếc MacBook Air không bị hư hỏng hoàn toàn thì các cổng USB trên máy cũng đã gặp phải tình trạng hoạt động chập chờn – dấu hiệu cho thấy chip điều khiển USB bên trong có thể đã bị hư hại.
Google đang đi đầu trong công cuộc phổ biến USB-C lên smartphone.
Trong một số trường hợp đặc biệt mà điển hình nhất là chiếc Pixel C xấu số của Benson Leung, cáp sạc USB-C kém chất lượng cũng sẽ gây hư hại cho thiết bị đang cắm sạc. Một chiếc cáp kém chất lượng đến từ Surjtech đã làm hư hại hoàn toàn cổng USB-C cũng như chip điều khiển Embedded Controller gắn với cổng này, khiến cho Pixel C không thể khởi động theo cách thông thường (có kiểm tra tới chip EC). Do hư hại xảy ra với chip EC là về mặt phần cứng, chiếc Pixel C này hoàn toàn không thể được hồi phục qua firmware hay các biện pháp phần mềm khác.
Nói tóm lại, bài học duy nhất ở đây vẫn là hãy tránh xa những chiếc cáp USB-C kém chất lượng. Leung hiện nay vẫn đang tiến hành đánh giá các mẫu cáp sạc USB-C có bán trên Amazon, và điều bạn cần làm hiển nhiên là tránh xa những mẫu cáp bị kỹ sư này đánh giá 1 hoặc 2 sao. Một số mẫu cáp sạc được Leung đánh giá cao bao gồm cáp iOrange-E hoặc cáp của Belkin. Điểm trừ của các mẫu cáp này là giá thành khá đắt đỏ (vào khoảng hơn 20 USD, tức hơn 400.000 đồng), nhưng bù lại chúng sẽ đảm bảo an toàn cho thiết bị của bạn.
Thực tế là thị trường cáp USB-C đang vô cùng rối loạn. Các nhà sản xuất cũng như các cửa hàng có thể khẳng định bất cứ điều gì họ muốn về các loại cáp được bán ra, nhưng không một ai có thể kiểm tra được mức độ xác thực của những khẳng định này. Các bài đánh giá của Leung vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của bạn.
Tệ hại hơn, khi bạn ghé thăm trang web chính thức về quy chuẩn USB (usb.org), bạn sẽ đọc được một thông tin rất đáng… chán rằng "Các thử nghiệm cho các sản phẩm tuân theo Chuẩn Cáp nối và Cổng USB Type-C hiện tại vẫn đang được phát triển". Nói cách khác, ngay cả tổ chức chịu trách nhiệm hoàn thiện chuẩn USB cũng chưa đưa ra được quy trình chuẩn để đảm bảo chất lượng cho cáp nối đến từ các nhà sản xuất tên tuổi.
Cáp sạc của OnePlus bị chỉ đích danh là kém chất lượng.
Dù vậy nhưng các loại cáp chính hãng (và đắt tiền) vẫn là lựa chọn an toàn nhất của bạn vào lúc này. Khả năng USB-C bình dân thoát được khỏi các vấn đề hiện tại cũng là rất khó, bởi các vấn đề cáp nối kém chất lượng thực chất đã tồn tại từ thời kỳ USB-A cũng như microUSB, nhưng chúng mới chỉ chủ yếu gây hại tới dữ liệu của người dùng bởi giới hạn điện năng của USB-A và microUSB là khá thấp. Đến khi một chuẩn USB mới có khả năng truyền tải một lượng điện năng lớn như USB-C xuất hiện thì vấn đề này mới bùng nổ và gây đau đầu như hiện nay.
Nhìn chung, sự xuất hiện của USB-C cũng như tính năng sạc nhanh trên các thiết bị di động đã mang tới một thực tế khá khó chịu: cáp nối giờ đây sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tuổi thọ thiết bị của bạn. Bạn cần bỏ ngay suy nghĩ mua cáp nối giá rẻ, bởi khi USB-C đã thực sự trở thành quy chuẩn chung, việc sử dụng các loại cáp giá rẻ gần như sẽ đảm bảo cho chiếc smartphone cũng như củ sạc của bạn sớm… đi tong.
Nguồn: vnreview
CÔNG TY TNHH PHỤ KIỆN DẾ YÊU
Cơ sở 1: Chợ ngã 3 Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội (Đi vào ~200m)
Cơ sở 2: Đồng Me, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0934 533 335 (24/7) và 0834 71 2222 (Sáng: 7h45 - 11h30, mùa lạnh muộn hơn 20 phút. Chiều: 13h45 - 17h30)
Liên hệ bán buôn/ Dự án/ Quà tặng: 0961 524 526 (24/7)
Email: pkdeyeu@gmail.com
Giấy CNĐKKD và mã số doanh nghiệp số: 0110037154